HLT.vn - iDiaLy.com - Dialy.edu.vn
Cà phê siêu đặc làm loạn thị trường
Admin: HLT.vn - 19/12/2015
(CaPheLamDong.net sưu tầm) - Loại cà phê siêu đặc chủ yếu là hóa chất được dán nhãn, đóng can và quảng cáo bán công khai trên mạng, tiềm ẩn nhiều mối họa.
Những hương liệu tạo mùi giống hệt cà phê Robusta, Moka, Brazil… đang được công khai bày bán khắp nơi và trên mạng.
Điều đáng nói là giá của loại cà phê sệt này rất rẻ, được người bán quảng cáo siêu lợi nhuận, một vốn đến bốn mươi lời!
Giá siêu rẻ, mua siêu dễ
Tại chợ Kim Biên (quận 5, TP HCM) và trên các tuyến đường gần khu vực chợ này, có đến hàng trăm cửa hàng kinh doanh hóa chất, hương liệu tạo mùi cho thực phẩm.
Đáng chú ý là các loại hóa chất, hương liệu tạo mùi, màu cà phê không nhãn mác, hạn sử dụng và nguồn gốc xuất xứ được bày bán công khai.
Hóa chất, hương liệu tạo mùi thực phẩm được bày bán tràn lan ở chợ Kim Biên, trong đó có “cà phê siêu đặc”.
Theo chủ một cửa hàng trong chợ Kim Biên, mỗi ngày cửa hàng bán ra cả ngàn lít hóa chất, hương liệu, trong đó có cả sản phẩm “cà phê siêu đặc 8X” với slogan: “siêu lợi nhuận, siêu tiện lợi”.
Chủ cửa hàng này luôn tận tình hướng dẫn người mua cách pha chế và cả… phương pháp kinh doanh; như bán ở các bến xe khách, căng-tin trường học, bệnh viện, lề đường, chợ đêm…
“Chỉ việc cho một ít cà phê sệt vào ly rồi cho nhiều đá vào khuấy đều là được. Khách hàng có là “thánh” cũng không tài nào phân biệt thật giả!”, chủ cửa hàng bật mí.
Giá bán nguyên liệu cà phê sệt cũng rất vô chừng. Cửa hàng hóa chất Khánh trên đường Vạn Tượng (chợ Kim Biên) rao bán cà phê siêu đặc hương gì cũng có, giá từ 380.000 đồng/lít đến 1,2 triệu đồng/can.
Khách hàng có nhu cầu thì mua nguyên can chứ không bán lẻ. Cách đó chưa đầy 50 m, cửa hàng hóa chất Ánh Hồng bày bán đủ loại hóa chất, hương thực phẩm.
“Anh muốn kinh doanh theo kiểu pha cà phê phin hay pha ly sẵn, cửa hàng đều có đủ hàng cung cấp” - một nhân viên tên là Vương khoe.
Người này còn hướng dẫn cặn kẽ: “Nếu pha ly sẵn thì nên mua cà phê sệt dạng nước, pha vào chừng 2%-5% là đủ, nhiều hơn sẽ bị nặng mùi.
Còn nếu pha phin thì sử dụng dạng bột, trộn lẫn vào cà phê pha cho khách, chẳng ai biết đâu”.
Không chỉ ở TP HCM, cà phê sệt cũng đã có mặt ở nhiều địa phương, trong đó có cả “thủ phủ cà phê” Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Trong vai một người mới mở quán, chúng tôi tìm đến một cửa hàng tạp hóa ở đường Hoàng Diệu (TP Buôn Ma Thuột) để hỏi mua “tinh chất” cà phê.
Người bán hàng hồ hởi: “Ở đây có rất nhiều loại; từ dạng tạo mùi hương, độ sánh đến pha uống liền đều có đủ”.
Người này giải thích cách pha chế khá giống với hướng dẫn của các cửa hàng hóa chất tại chợ Kim Biên: “Chỉ cần bỏ một ít hương liệu vào phin là có một ly cà phê thơm phức, đặc sánh.
Riêng loại uống liền thì nhỏ vài giọt vào ly nước, bảo đảm có ly cà phê ngon”. Theo quan sát của chúng tôi, giá nguyên liệu cà phê sệt ở Đắk Lắk loại bột khoảng 50.000 đồng/lạng, loại chai 400.000 đồng/lít.
2 lít = 320 ly cà phê
Chính từ nguồn hóa chất, hương liệu tạo cà phê sệt bày bán tràn lan, vì hám lợi mà giới kinh doanh qua mạng mua về rồi rao bán lại cho những người bán cà phê vỉa hè, cà phê “cóc”, căng-tin trường học, bệnh viện, nơi công cộng.
Để thu hút nhiều người mua, có người lập “Cửa hàng hóa chất Kim Biên” trên Facebook, quảng cáo với những lời lẽ có cánh: “Cà phê đậm đặc pha sẵn siêu lợi nhuận 8X tái xuất giang hồ”.
Theo chỉ dẫn của cửa hàng này, cứ 1 bình cà phê sệt loại 2 lít sẽ cho ra 16 lít cà phê và có thể pha được 320 ly. Với giá 380.000 đồng/2 lít, tiền vốn bỏ ra chưa tới 1.000 đồng/ly, lợi nhuận là… khỏi phải nói!
Người đại diện trang Facebook này còn khoe có rất nhiều loại và hương tạo mùi giống hệt các loại cà phê Moka, Robusta, Brazil… với giá bán qua mạng từ 150.000-380.000 đồng/bình loại từ 2 đến 5 lít.
Khách hàng muốn đặt hàng giao tận nơi trong nội thành, tối thiểu phải mua 5 bình trở lên. “Lấy 5 bình sẽ được miễn phí giao hàng, để khi nào bán cũng được mà không giới hạn thời gian...”, người này nói.
Trước sự xuất hiện của loại cà phê độc hại này, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh cà phê có thương hiệu tỏ ra rất bức xúc.
Bà Nguyễn Thu Phương, một chủ kinh doanh quán cà phê uy tín ở đường Hồng Bàng (quận 5), lo lắng: “Để có 5 lít cà phê thật phải tốn ít nhất gần 3 triệu đồng tiền nguyên liệu.
Vậy thì 5 lít cà phê nguyên chất pha sẵn mà chỉ một vài trăm ngàn đồng là quá rẻ.
Điều đó, chắc chắn họ đã dùng hóa chất gây hại cho sức khỏe và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín của các hãng cà phê”.
Quản lý rối mù
Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật TP HCM cho biết trên địa bàn TP HCM hiện có 95 cơ sở sản xuất cà phê; chủ yếu rang, xay và đóng gói.
Trong số này, có 92 cơ sở được chi cục kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Theo quy trình, sau khi có giấy này, cơ sở sản xuất cà phê phải đến Chi cục ATVSTP TP đăng ký thủ tục công bố chất lượng và chỉ khi nào được cấp giấy tiếp nhận công bố thì mới được bán sản phẩm ra thị trường.
“Tùy theo mục tiêu kinh doanh, có cơ sở công bố 100% cà phê tự nhiên hoặc pha trộn 10% đậu nành, 5% bắp hay sử dụng thêm hương liệu như hương cà phê, hương ca cao…
Còn trong quá trình sản xuất, cơ sở phải tuân thủ theo công bố của mình và định kỳ hằng năm, ít nhất 2 lần lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để chứng minh chất lượng đúng như công bố.
Sau khi sản phẩm lưu thông ra thị trường, nếu cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm tra mà phát hiện hàm lượng caffein dưới 1% thì sẽ bị phạt tiền rất nặng”, đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật TP nhấn mạnh.
Đó là về quy trình đăng ký, công bố chất lượng ATVSTP theo quy định còn trên thực tế, việc quản lý, ngăn chặn loại cà phê hóa chất này là rối mù, có thể tạo ra nhiều kẽ hở.
Ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, cho rằng theo quy định, việc kiểm tra các sản phẩm hương liệu, phụ liệu cà phê thuộc về ngành y tế.
Trong khi đó, ông Trần Văn Tiết, Phó chi cục trưởng Chi cục ATVSTP - Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, nói chi cục chỉ quản lý 2 cơ sở bán phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột còn các cơ sở bán xen lẫn với nhiều loại hàng hóa khác nữa thì không thuộc thẩm quyền của chi cục mà thuộc ngành công thương.
Cụ thể hơn, việc kiểm tra các cửa hàng bán hàng hóa tổng hợp do cơ quan quản lý thị trường của Sở Công Thương thực hiện.
Thế nhưng, theo ông Nguyễn Đào Chí, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, chức năng của quản lý thị trường là kiểm tra hóa đơn chứng từ hàng hóa còn chất lượng sản phẩm thì thuộc về Chi cục ATVSTP và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đáng ngại việc pha trộn hóa chất
TS-BS Lâm Quốc Hùng, Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thuộc Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho biết trong quá trình sản xuất, việc gia giảm thành phần để tăng khẩu vị, độ béo cho cà phê là hoàn toàn bình thường nhưng đáng ngại nhất là việc trộn những thành phần hóa học tạo đắng, tạo độ ngậy, tạo màu sắc và trộn chất kích thích gây hưng phấn để đánh lừa người sử dụng rằng sản phẩm là cà phê thật.
Để biết loại cà phê đặc sệt như báo chí phản ánh độc hại hay không độc hại, không thể đánh giá được bằng cảm quan mà cần phải kiểm nghiệm các thành phần có trong sản phẩm. Hiện sản phẩm này do Bộ Công Thương quản lý.
Cũng theo BS Hùng, chất caffein có trong cà phê là một loại chất kích thích nhẹ giúp tăng cường sự tỉnh táo và tập trung.
Tuy nhiên, lạm dụng cà phê để kích thích, cố gắng làm việc khi cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ có thể gây những tác động xấu cho tim mạch, làm tăng nguy cơ đột quỵ.